SOẠN VĂN 11 BỘ SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG | "VỢ NHẶT" - KIM LÂN (BÀI 1: CÂU CHUYỆN VÀ ĐIỂM NHÌN TRONG TRUYỆN KỂ)

Ngày 21/05/2024 16:01:37, lượt xem: 8703

I. Chuẩn bị trước đọc

Tác giả Tác phẩm
* Tiểu sử, cuộc đời
- Kim Lân (1920 – 2007). Tên khai sinh Nguyễn Văn Tài.
- Quê: Bắc Ninh.
* Sự nghiệp sáng tác
- Tên tuổi nổi tiếng của văn xuôi VN hiện đại.
- Sáng tác không nhiều nhưng lại có những tác phẩm được coi là kiệt tác.
- Sở trường: truyện ngắn.
- Đề tài chính trong sáng tác: phong tục và đời sống thôn quê.
Ông là nhà văn một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn (Nguyên Hồng)
Cây bút viết ít nhưng ngày càng được khâm phục nhiều (Hoài Thanh)
* Xuất xứ
- Tiền thân: là một chương trong tiểu thuyết Xóm ngụ cư, viết ngay sau giai đoạn 1945 - lấy bối cảnh trước 1945.
* Hoàn cảnh sáng tác
- Đến 1954, ông dựa vào cốt truyện có sẵn để viết Vợ nhặt, in trong tập Con chó xấu xí.
- Mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới trong thời điểm đất nước giải phóng sau 1954.
- Kiệt tác trong các sáng tác của Kim Lân, truyện ngắn xuất sắc trong văn xuôi hiện đại.

 

II. Đọc văn bản

(1) Khung cảnh ngày đói được gợi ra qua những hình ảnh và cảm giác nào?

- Hình ảnh: 

+ Những gia đình … và nằm ngổn ngang khắp lều chợ.

+ Người chết như ngả rạ, … bên đường.

- Cảm giác: Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.

(2) Tâm trạng của Tràng và người “vợ nhặt” được biểu lộ qua những biểu hiện bên ngoài nào?

- Tâm trạng của Tràng được biểu lộ:

+ Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười … lấp lánh.

+ Tràng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng.

+ Tràng bật cười và nói: “bố ranh!”

- Tâm trạng của thị được biểu lộ:

+ Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, … nửa mặt.

+ Thị có vẻ rón rén, e thẹn.

+ Người đàn bà khó chịu lắm. Thị nhíu đôi lông mày lại, đưa tay lên xóc xóc lại tà áo.

(3) Người dân trong xóm nghĩ và bàn luận gì khi thấy Tràng dẫn một người phụ nữ lạ về nhà?

- Nghĩ: Không biết người phụ nữ kia là ai?

- Bàn luận: Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuối nhau sống qua được cái thì này không?

(4) Những chi tiết nào thể hiện sự thay đổi tâm trạng của Tràng và người vợ nhặt khi về đến nhà?

- Tràng:

+ Tràng xăm xăm bước vào nhà, nhấc tấm phên rách sang một bên … dưới đất.

+ Hắn nhìn thị cười cười.

+ Tràng vỗ vỗ xuống giường đon đả mời thị ngồi.

+ Tràng đứng dậy tây ngây giữa nhà một lúc, chợt hắn thấy sờ sợ.

+ Hắn lấm lét bước vội ra sân và gắt lên.

+ Hắn loanh quanh hết chạy ra ngõ đứng ngóng, lại chạy vào sân nhìn trộm trong nhà.

+ Hắn nhổ vu vơ một bãi nước bọt, tủm tỉm cười một mình.

- Thị: 

+ Nén một tiếng thở dài.

+ Thị nhếch mép cười nhạt.

+ Ngồi mớm xuống mép giường.

(5) Chú ý ngôn ngữ và cách ứng xử của người phụ nữ trước khi theo Tràng về nhà.

+ Lần đầu gặp Tràng: Cong cớn, ton ton.

+ Lần hai gặp lại: sầm sập chạy đến, sưng sỉa mắng; được mời ăn: mắt sáng lên, sà xuống, cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc.

🡪 Chao chát, chỏng lỏn, chua ngoa, có phần vô ý vô tứ.

(6) Việc Tràng chấp nhận hành động “theo về” của người phụ nữ xa lạ thể hiện nét tính cách gì của nhân vật?

- Tốt bụng, hiền lành.

- Tràng là người có khao khát mãnh liệt về hạnh phúc.

(7) Chú ý hình thức lời văn được tác giả sử dụng để thể hiện tâm trạng của bà cụ Tứ trong tình huống này.

- Sử dụng câu nghi vấn.

(8) Tình cảm của bà cụ Tứ dành cho người con dâu mới được thể hiện qua giọng điệu và những từ ngữ nào?

- Giọng điệu: mộc mạc, thân mật, chân thành.

- Từ ngữ: 

+ Ừ, thôi các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…

+ Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân.

+ Kể ra làm được dăm mâm … u thương quá…

(9) Khung cảnh ngày mới được cảm nhận chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật nào?

- Khung cảnh ngày mới được cảm nhận chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật Tràng.

(10) Chú ý những chi tiết miêu tả sự thay đổi của nhân vật bà cụ Tứ với người vợ nhặt vào buổi sáng của ngày đầu tiên sau khi Tràng nhặt được vợ.

- Bà cụ Tứ: trông nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo, u ám của bà rạng rỡ hẳn lên.

- Thị: không còn vẻ chao chát, chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ngoài chợ.

(11) Chú ý chi tiết nồi chè khoán.

- Hình ảnh mâm cơm ngày đói cùng nồi cháo cám cùng dư vị đắng chát của nó chính là hình ảnh thu nhỏ của hiện thực đói nghèo trong cuộc sống của người dân xóm ngụ cư giữa nạn đói năm 1945. Đói đến mức thức ăn của gia súc cũng trở thành bữa ăn của con người. Sự hiện hữu nghiệt ngã của cái đói khiến không khí bữa ăn của gia đình Tràng trùng xuống “Từ đó, không ai nói câu gì, họ tránh nhìn mặt nhau và một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người” 

- Chi tiết này còn là lời tố cáo tội ác của thực dân, phát xít, đã gây ra thảm cảnh nạn đói cho người Việt “ từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay hơn hai triệu đồng bào ta chết đói”

(12) Tại sao bà cụ Tứ ngoảnh mặt vội ra ngoài, “không dám để con dâu nhìn thấy mình khóc”?

- Một người mẹ già trải qua quãng đời dài tủi cực, hiểu được thế nào là sức mạnh ghê gớm của cái đói vẫn gượng vui, gượng cười để gieo mầm hy vọng cho con trai, con dâu.

(13) Tràng có tâm trạng như thế nào khi nghe câu chuyện vợ nhặt kể?

- Hắn thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu.

(14) Hình ảnh “lá cờ đỏ” hiện lên trong tâm trí Tràng có ý nghĩa gì?

- Mở ra tương lai, tin vào tương lai.

 

III. Khám phá văn bản

1. Nhan đề

- Vợ: Danh từ - người quan trọng, chăm lo cho gia đình.

- Nhặt: Tính từ, Động từ - nhặt lên vật bị rơi.

→ Vợ nhặt: không theo phong tục cưới hỏi (Theo phong tục của người Việt thì cưới xin là chuyện hệ trọng, phải có sự chứng kiến của gia đình đôi bên và lễ nghi cưới hỏi được tổ chức trang trọng).

→ Chuyện lấy chồng gả vợ - chuyện lớn lao hệ trọng của đời người với việc “nhặt nhạnh, lượm lặt” được một cách tình cờ, vu vơ…

=> Qua sự nghịch lí ấy, người đọc sẽ cảm thấy tò mò bởi nhan đề và đặc biệt còn cảm thấy xót xa cho thân phận con người, nhưng cũng từ đó xúc động vì tình người mà những người nông dân dành cho nhau trong hoàn cảnh khốn cùng; xúc động vì vẻ đẹp tâm hồn, vì khát khao yêu thương và trân trọng hạnh phúc của họ.

 

MỐI LIÊN HỆ GIỮA NHAN ĐỀ VÀ NỘI DUNG

- Nạn đói – Khổ đau tận cùng của con người, đến việc ma chay, cưới hỏi là việc quan trọng vậy mà phải dùng từ “nhặt” là việc tạm bợ, vô thức, không có giá trị trân trọng 🡪 Nỗi khổ của con người trong nạn đói,

- Đồng cảm, xót xa cho số phận con người.

- Xúc động và trân trọng vẻ đẹp tâm hồn, khát khao tin tưởng sống của những con người trong nạn đói.

 

2. Tình huống truyện

- Khái niệm tình huống truyện: Tình huống là yếu tố làm nảy sinh ra truyện; là thành phần cốt lõi để từ đó các sự việc, chi tiết trong truyện được phát triển; bản chất của tình huống là nhằm nảy sinh những mâu thuẫn và cách nhà văn hướng tới giải quyết tình huống chính là giải quyết những mâu thuẫn.

- Tình huống trong truyện: Anh cu Tràng xấu xí, thô kệch, nghèo xơ xác, lại là dân ngụ cư không ai thèm lấy, trong thảm cảnh đói khát đang hoành hành dữ dội, bỗng nhiên “nhặt” được vợ một cách thật dễ dàng, nhanh chóng, ở giữa chợ chỉ nhờ “bốn bát bánh đúc” đã gây nên sự ngạc nhiên, thương cảm đến xót xa trong lòng người đọc.

=> Tình huống nhìn bề ngoài tưởng như đơn giản nhưng lại chứa đầy những mâu thuẫn, xung đột gay gắt bên trong. Tình huống bi thảm cười ra nước mắt; vừa lạ, vừa hết sức éo le, độc đáo; vừa thấm đẫm tình người vừa hấp dẫn người đọc lôi cuốn: đó là sự kết hợp nghịch lí đến mức vô lí: giữa một đám cưới//với một nạn đói khủng khiếp; một sự kiện trọng đại của đời người// với một hành động “nhặt” rất giản đơn; một niềm vui hạnh phúc lứa đôi// với một tai họa khủng khiếp của dân tộc. Khiến người đọc tự đặt ra câu hỏi: Liệu có hạnh phúc nào được nảy sinh trên nền của đói khát, tai hoạ?

 

Ý NGHĨA TÌNH HUỐNG TRUYỆN

- Phản ánh số phận rẻ rúng, bọt bèo của con người trong nạn đói năm 1945. 

- Gián tiếp lên án tội ác của thực dân, của phát xít và tầng lớp phong kiến đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945 khiến số phận con người bọt bèo như cỏ rác.

- Ca ngợi sự đùm bọc, chở che, đạo lí, tình cảm yêu thương của con người với con người trong nạn đói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tình cảm ấy được thể hiện rõ qua thái độ của Tràng và bà cụ Tứ với cô vợ nhặt.

- Thể hiện thái độ của nhà văn Kim Lân: trân trọng trước niềm khát khao sống và khát khao hạnh phúc của con người trong nạn đói. Dù trong hoàn cảnh bi thảm đến đâu, con người vẫn hướng về sự sống, hướng về ánh sáng, vẫn tin tưởng, lạc quan, hi vọng vào tương lai.

 

3. Sự thay đổi của các nhân vật (diện mạo, tâm trạng, cách ứng xử) theo trình tự của câu chuyện

Trước Sau
NHÂN VẬT TRÀNG
- Lai lịch: dân ngụ cư, nghèo khổ - đẩy xe thuê, sống với người mẹ già – bị khinh miệt, chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện vợ con.
-Diện mạo: xấu xí, thô kệch: lưng như lưng gấu, hai mắt nhỏ tí gà gà, quai hàm bạnh.
- Cách ứng xử: Vô tư, nông cạn, hay chơi đùa với lũ trẻ con trong xóm, việc lấy vợ cũng từ câu nói bông đùa.
Tâm trạng và cách ứng xử:
- Trên đường về - khi thị theo không: hắn thể hiện niềm vui, hạnh phúc vụng về, mộc mạc khi dẫn vợ về ra mắt.
- Khi về đến nhà: xăm xăm dọn dẹp, bối rối, ngượng nghịu, háo hức nôn nóng chờ mẹ về, hồi hộp khi thưa chuyện với mẹ, thở phào khi mẹ đồng ý.
=> Tình yêu và khát vọng hạnh phúc giúp Tràng trưởng thành: Từ một con người vô lo vô nghĩ, Tràng biết nghĩ cho cảm xúc của người khác, biết lo lắng cho những chuyện của mình, biết thưa gửi với mẹ đầu đuôi câu chuyện,…
- Sáng hôm sau:
+ Lâng lâng trong hạnh phúc: “Tràng cảm thấy trong người êm ái, lửng lơ như vừa từ trong giấc mơ đi ra”.
+ Yêu thương, gắn bó với ngôi nhà và gia đình.
=> Tràng nhận thức được trách nhiệm của mình với vợ con, gia đình: “thương yêu, gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng...”
- Trong bữa cơm ngày đói:
+ Cảm thông với nồi chè khoán của mẹ, ý tứ không nhìn mặt nhau và cố gắng nuốt miếng chè cám dù nghẹn bứ trong cổ.
+ Hình ảnh lá cờ đỏ xuất hiện trong đầu Tràng (cuối tác phẩm) -> niềm tin vào Cách mạng, tương lai tươi sáng.
+ Muốn đi phá kho thóc Nhật với mọi người.
=> Tràng là người có niềm tin vào tương lai.
=> Sự thức tỉnh của người nông dân về nỗi khổ của mình và ý thức đấu tranh nhưng còn mờ nhạt.
NHÂN VẬT THỊ
- Lai lịch: Không được giới thiệu rõ ràng: Không tên tuổi, quê quán, gia đình, tài sản, nghề nghiệp.
- Ngoại hình: được miêu tả qua mắt Tràng:
+ Lần đầu: gầy yếu, xanh xao.
+ Lần sau: Áo quần tả tơi như tổ đỉa, người gầy sọp, mặt lưỡi cày xám xịt lại; ngực gầy lép.
🡪 Thị là điển hình cho những con người tội nghiệp, đói nghèo của xã hội trong nạn đói.
- Cách ứng xử:
+ Lần đầu gặp Tràng: Cong cớn, ton ton.
+ Lần hai gặp lại: sầm sập chạy đến, sưng sỉa mắng; được mời ăn: mắt sáng lên, sà xuống, cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc.
🡪 Chao chát, chỏng lỏn, chua ngoa, có phần vô ý vô tứ.
Tâm trạng và cách ứng xử:
- Trên đường về:
+ Đi với Tràng mà bước chân có vẻ rón rén, ngượng nghịu, e thẹn, ít lời, ngại ngùng trước ánh mắt tò mò của những người xa lạ.
=> Khép nép của một nàng dâu mới; xấu hổ vì cảnh theo không của mình.
- Về đến nhà:
+ Thị nén một tiếng thở dài, thất vọng. Tiếng thở dài – chi tiết thật tinh tế mà Kim Lân đã lựa chọn để đưa vào trong tác phẩm của mình, để thể hiện sự nhạy cảm, sự tinh tế trong từng thái độ cử chỉ của nhân vật thị. Thị không muốn Tràng biết được sự thất vọng của mình, thị hiểu rằng đối với một người đàn ông “lòng tự trọng về gia cảnh” rất quan trọng. Chính vì vậy, dẫu có thất vọng bao nhiêu, người phụ ấy cũng nén hết để lại trong lòng.
+ Khiêm tốn, e dè, ý tứ của một nàng dâu mới: chỉ dám “ngồi mớm ở mép giường” không hết ngượng nghịu, “tay ôm khư khư cái thúng”.
+ Lễ phép, đúng mực với mẹ chồng - bà cụ Tứ.
=> Không còn sự chao chát, chỏng lỏn, chua ngoa mà thay vào đó là sự ý tứ, e dè của nàng dâu mới.
- Sáng hôm sau: Cô dậy sớm cùng mẹ chồng quét tước, dọn dẹp, gánh nước, giặt giũ, phơi phóng, sắp lại đồ đạc khiến cho sân ngõ, nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ.
=> Một người đàn bà hiền hậu, đúng mực. Thiên tính nữ thực sự đã trở về với người đàn bà này nhờ vào ngọn lửa yêu thương được thắp sáng từ chồng và mẹ chồng.
- Trong bữa cơm ngày đói:
+ Thị cũng nén cảm xúc của mình lại dù món “chè khoán” thực chất là món cháo cám rất đắng, chát, khó ăn. Thị nuốt thẳng miếng cháo cám vì sợ mẹ phiền lòng.
+ Thị hướng tới một tương lai tươi sáng khi người phụ nữ này chính là người nói nhiều nhất về đoàn người đi phá kho thóc của Nhật. Thị đã khai sáng cho Tràng và bà cụ Tứ để rồi hình ảnh đoàn người đi phá kho thóc và lá cờ đỏ sao vàng cứ xuất hiện mãi trong tâm trí của Tràng.
=> Thị bây giờ, đã là một người vợ, một cô con dâu đảm đang, đúng mực, có một gia đình hạnh phúc, yên bình.
BÀ CỤ TỨ
- Diện mạo, ngoại hình: “lọng khọng đi vào ngõ, vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng”, khuôn mặt thì bủng beo u ám như vỏ quả chanh. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà nghĩ đến cuộc đời khổ cực dằng dặc của mình. - Về đến nhà:
+ Ngạc nhiên khi thấy người đàn bà lạ, càng ngạc nhiên hơn khi người đàn bà đó chào bằng u. Tâm trạng vừa đau đớn, tủi cực, xót xa xen lẫn vui mừng.
+ Bà cụ Tứ chấp thuận nàng dâu: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng” đã cho ta thấy vẻ đẹp tấm lòng người mẹ nhân hậu, bao dung. Hai chữ “mừng lòng” chứ không phải “vui lòng” thể hiện sự vị tha, nhân ái của bà cụ Tứ.
+ Dặn dò các con và có niềm tin vào tương lai, dự cảm đổi đời: “Nhà ta thì nghèo con ạ! Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn, rồi may ra ông giời cho khá…Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời, có ra rồi thì con cháu chúng mày về sau…”.
- Sáng hôm sau:
+ “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”.
+ Dậy sớm cùng con dâu dọn dẹp, quét tước, thu vén nhà cửa sạch sẽ.
- Bữa cơm ngày đói:
+ Bà nói toàn chuyện vui để động viên các con.
+ Tính đến chuyện tương lai: nuôi con gà, làm cái chuồng gà ở chỗ đầu bếp ,…
+ Đãi 2 đứa con của mình một nồi chè khoán – cháo cám.
+ Khi cái đói bữa vây tràn về, bà quay đi không muốn các con thấy mình khóc.
=> Một người mẹ già trải qua quãng đời dài tủi cực, hiểu được thế nào là sức mạnh ghê gớm của cái đói vẫn gượng vui, gượng cười để gieo mầm hy vọng cho con trai, con dâu.

 

4. Quyền năng người kể chuyện (Tìm hiểu ngôi kể, điểm nhìn, lời kể, giọng điệu)

- Ngôi kể: ngôi thứ 3 (người kể toàn tri)

- Điểm nhìn: tác giả đã vận dụng khéo léo, lựa chọn thích hợp yếu tố điểm nhìn trong tác phẩm của mình để tạo nên sự hấp dẫn, sinh động, thành công, giá trị:

+ Điểm nhìn tác giả - từ ngôi kể: cái nhìn khách quan, toàn tri (điểm nhìn bên ngoài)

+ Điểm nhìn nhân vật: chuyển dịch điểm nhìn từ ngoài vào trong, từ tác giả sang nhân vật: bà cụ Tứ, Tràng.

+ Sự gia tăng điểm nhìn: bọn trẻ con, dân làng.

+ Điểm nhìn không gian: xóm ngụ cư.

+ Điểm nhìn thời gian: quá khứ - hiện tại – tương lai.

- Lời kể, giọng điệu: tự nhiên, hấp dẫn, giọng văn mộc mạc, giản dị: ngôn ngữ khẩu ngữ nhưng có sự chắt lọc, tạo nên phong vị; ngôn ngữ đối thoại đúng với giọng điệu từng nhân vật.

 

5.  Đề tài, chủ đề và giá trị tư tưởng

- Đề tài: người nông dân

- Chủ đề:

+ Phản ánh thành công hình ảnh nông thôn Việt Nam trong nạn đói 1945. Không khí nạn đói như đang bao trùm khắp mọi nơi, được thể hiện qua những hình ảnh như:

  • Những đoàn người từ Nam Định, Thái Bình,…

  • Không ngày nào đi làm đồng về không gặp 3 4 cái thây nằm còng queo bên đường.

  • Tiếng quạ kêu…, tiếng hờ khóc tỉ tê từ những gia đình có người chết.

  • Mùi gây của xác người, khét lẹt của những đống rơm từ những gia đình có người chết thoảng vào khét lẹt.

+ Thương cảm cho số phận của con người bèo bọt như cỏ rác.

+ Thái độ xót xa của nhà văn thể hiện rõ nhất qua cách nhà văn miêu tả về hình ảnh , về số phận của người đàn bà không tên.

- Giá trị tư tưởng:

- Cái đói, cái chết lại càng khiến con người lao động ngời lên những phẩm chất tốt đẹp.

- Lòng nhân hậu, tình cảm yêu thương vị tha, niềm khát khao sống, khát khao hạnh phúc và niềm tin mãnh liệt vào một tương lai.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

Tin liên quan